1. Mô hình PESTEL là gì?
Mô hình PESTEL
Mô hình PESTEL là viết tắt của các từ Political (chính trị), Economic (kinh tế), Social (xã hội), Technological (công nghệ), Environmental (môi trường) và Legal (pháp lý). Đây là một khung phân tích môi trường bên ngoài của doanh nghiệp, giúp bạn nhận biết các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chiến lược, hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp .
Mỗi yếu tố trong mô hình PESTEL bao gồm nhiều nhân tố cụ thể, ví dụ:
-
Yếu tố chính trị: chính sách thuế, chính sách thương mại, ổn định chính trị, quan hệ quốc tế, chính sách bảo vệ người tiêu dùng, chính sách bảo vệ môi trường, vv.
-
Yếu tố kinh tế: tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá hối đoái, lãi suất, thu nhập bình quân, mức tiêu dùng, mức cạnh tranh, vv.
-
Yếu tố xã hội: dân số, độ tuổi, giới tính, giáo dục, văn hóa, thói quen tiêu dùng, xu hướng, ý thức, vv.
-
Yếu tố công nghệ: các công nghệ mới, nghiên cứu và phát triển, hạ tầng, truyền thông, internet, trí tuệ nhân tạo, vv.
-
Yếu tố môi trường: khí hậu, địa lý, thiên tai, tài nguyên, ô nhiễm, biến đổi khí hậu, vv.
-
Yếu tố pháp lý: các điều luật, đạo luật của từng quốc gia.
2. Tại sao doanh nghiệp cần phân tích mô hình PESTEL?
Phân tích mô hình PESTEL sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như:
-
Giúp doanh nghiệp nhận biết các cơ hội và thách thức từ môi trường bên ngoài, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức .
-
Giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng và dự báo tương lai, từ đó định hướng phát triển và cải tiến sản phẩm, dịch vụ và quy trình để đáp ứng thị hiếu của thị trường.
-
Giúp doanh nghiệp tìm ra được lợi thế cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành cũng như khắc phục các nhược điểm hiện có.
-
Giúp doanh nghiệp thích ứng và tuân thủ với các quy định của chính phủ, từ đó tránh được các rủi ro pháp lý.
3. Quy trình phân tích mô hình PESTEL
Quy trình phân tích PESTEL
Để phân tích mô hình PESTEL, bạn có thể thực hiện các bước sau:
Bước 1: Phân tích 6 yếu tố chính trong mô hình PESTEL
Để bắt đầu quy trình phân tích PESTEL, chúng ta cần tập trung vào 6 yếu tố chính của mô hình này. Chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường, và pháp lý là những yếu tố cơ bản mà chúng ta sẽ đánh giá. Bước này giúp xác định cách mỗi yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bước 2: Nghiên cứu và thu thập thông tin
Để có cái nhìn đầy đủ về môi trường kinh doanh, việc thu thập thông tin là quan trọng. Sử dụng công cụ tìm kiếm online và theo dõi các nguồn như báo chí, báo cáo nghiên cứu, và thống kê. Điều này đảm bảo tính chính xác và khách quan của thông tin, tránh được tác động của quan điểm chủ quan.
Bước 3: Đánh giá và xác định thứ tự ưu tiên
Sau khi có đủ thông tin, bước quan trọng là đánh giá tác động của từng yếu tố PESTEL. Xác định mức độ quan trọng và ảnh hưởng của chúng đối với kinh doanh. Điều này giúp xác định những yếu tố quan trọng nhất và tập trung vào chúng trong chiến lược kinh doanh.
Bước 4: Báo cáo kết quả phân tích PESTEL
Cuối cùng, sau khi hoàn thành phân tích, chúng ta tổ chức kết quả thành một báo cáo chi tiết. Báo cáo này cung cấp cái nhìn tổng quan về môi trường vĩ mô và yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Sử dụng biểu đồ, biểu đồ, và ví dụ cụ thể để làm cho thông tin trở nên dễ hiểu, và đề xuất chiến lược dựa trên phân tích PESTEL. Điều này giúp doanh nghiệp thích ứng hiệu quả với biến động của môi trường kinh doanh.
4. Ví dụ về mô hình PESTEL
Để minh họa, chúng ta có thể xem xét ví dụ về phân tích mô hình PESTEL của Samsung - một tập đoàn đa quốc gia chuyên về điện tử và công nghệ:
-
Yếu tố chính trị: Nhìn chung, Samsung đang hoạt động ở các thị trường với chính trị tương đối ổn định. Tuy nhiên, đã có những giai đoạn công ty phải đối mặt với những biến động chính trị đáng kể tại quê nhà Hàn Quốc do căng thẳng với Triều Tiên. Áp lực chính trị cũng đặt ra những thách thức ở châu Phi và Mỹ Latinh, nơi môi trường chính trị không ổn định và chính phủ thường xuyên. Mặc dù ảnh hưởng chính trị không phải tác động hàng đầu đến doanh nghiệp, nhưng Samsung vẫn phải tính đến trong chiến lược kinh doanh của mình.
-
Yếu tố kinh tế: Samsung đang phải đối mặt với thách thức từ suy thoái kinh tế toàn cầu và giảm sức mua ở các thị trường phát triển. Điều này thúc đẩy công ty phải mở rộng sang các thị trường mới nổi để đảm bảo nguồn lợi nhuận ổn định hơn.
-
Yếu tố xã hội: Mặc dù là một tập đoàn toàn cầu, Samsung vẫn giữ đặc điểm và văn hoá của một công ty Hàn Quốc. Điều này đòi hỏi khả năng thích nghi của công ty với điều kiện địa phương và điều chỉnh sản phẩm của họ theo thị hiếu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau.
-
Yếu tố công nghệ: Samsung đang đối mặt với áp lực sáng tạo về công nghệ (5G, điện thoại gập, TV siêu mỏng,...) để vượt mặt các đối thủ trên thị trường, một trong số đó là iPhone của Apple.
-
Yếu tố môi trường: Mặt Môi trường đặt ra yêu cầu về việc thích ứng với xu hướng xã hội về sản phẩm có trách nhiệm với môi trường và xã hội như tái chế sản phẩm cũ hư hỏng, giảm thiểu phụ kiện không cần thiết trong bộ sản phẩm, thay thế vỏ hộp sang giấy tái chế,.... Đồng thời, Samsung cần đảm bảo môi trường làm việc và mức lương phù hợp cho công nhân để tạo thiện cảm trong mắt cộng đồng.
-
Yếu tố pháp lý: Samsung thường phải đối mặt với các vấn đề pháp lý khi bị cáo buộc bắt chước sản phẩm của đối thủ, đặc biệt là giữa dòng điện thoại Galaxy và iPhone của Apple.
5. Ưu nhược điểm của mô hình PESTEL
Mỗi mô hình phân tích sẽ có điểm mạnh và điểm yếu riêng, PESTEL cũng vậy. Một số ưu nhược điểm có thể kể đến như:
Ưu điểm
-
Mô hình PESTEL giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện và chi tiết về môi trường bên ngoài, từ đó có thể giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết sách, chiến lược hành động chính xác và hiệu quả .
-
Mô hình PESTEL giúp doanh nghiệp phát hiện và tận dụng các cơ hội mới, đối phó và giảm thiểu các thách thức hiện tại, cải thiện và nâng cao các ưu thế cạnh tranh .
-
Mô hình PESTEL giúp doanh nghiệp thích nghi và có sự ứng biến linh hoạt với các thay đổi của môi trường bên ngoài, từ đó duy trì và phát triển bền vững.
Nhược điểm
-
Mặc dù mang lại thông tin chi tiết và quý báu, nhưng mô hình PESTEL không có hướng dẫn rõ ràng đến các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Điều này có thể làm giảm hiệu quả trên thực tế của nó trong các quyết sách chiến lược.
-
Mô hình PASTEL không phân loại mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố, không xác định được yếu tố nào quan trọng hơn yếu tố khác. Điều này có thể gây ra những sự mơ hồ và không chính xác về tác động thực sự của các yếu tố đó đối với doanh nghiệp. Chính những sự không rõ ràng này này làm sai lệch những dự đoán và ưu tiên hành động trong kinh doanh của công ty.
-
Mô hình PESTEL dễ dàng bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan của các quản lý và chuyên gia. Sự đánh giá không khách quan này có thể gây ra sự chệch lệch trong kết quả phân tích, làm mất đi tính khách quan của thông tin thu thập được. Do đó, việc áp dụng mô hình này đòi hỏi sự cẩn trọng để tránh bị lệch hướng trong quá trình ra quyết định chiến lược.
Trên đây là A-Z giải đáp của Vinalink Academy về mô hình PESTEL là gì và chia ví dụ về PASTEL của doanh nghiệp trên thực tế. Hy vọng rằng, với những chia sẻ của chúng tôi, bạn sẽ có thể áp dụng mô hình này cho chiến lược kinh doanh của mình để có thể cải thiện và phát triển hơn trong thời gian sắp tới.
Chúc bạn thành công !