Tư duy chiến lược là gì?
Strategic Thinking
Tư duy chiến lược (hay còn gọi trong tiếng Anh là Strategic Thinking) là khả năng suy nghĩ một cách có hệ thống, logic và sáng tạo - đồng thời phân tích môi trường xung quanh, các rủi ro tiềm ẩn và đánh giá các nguồn lực sẵn có nhằm xác định mục tiêu dài hạn và đưa ra kế hoạch hành động hiệu quả để đạt được mục tiêu đó.
Bên cạnh đó, tư duy chiến lược không chỉ đơn giản là việc lập kế hoạch mà còn yêu cầu người có kỹ năng này phải có sự thích ứng với những thay đổi để vượt qua thách thức và nắm bắt được cơ hội tiềm năng đến với mình.
Nói một cách đơn giản, tư duy chiến lược là:
-
Suy nghĩ vĩ mô: Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, bao quát, từ đó đưa ra những phương hướng - quyết định phù hợp nhằm hoàn thành mục tiêu dài hạn cuối.
-
Phân tích logic: Sử dụng các phương pháp phân tích khoa học để đánh giá tình hình, xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức.
-
Sáng tạo: Tìm ra những giải pháp mới mẻ, độc đáo để giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu.
-
Linh hoạt: Thích ứng với những thay đổi của môi trường, điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.
-
Quyết đoán: Đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác và chịu trách nhiệm cho những quyết định mà mình đưa ra.
-
Đo lường: Những kế hoạch, chiến lược đưa ra cần đo lường được để dễ dàng trong việc đánh giá và điều chỉnh (nếu cần thiết).
Yếu tố cấu thành tư duy chiến lược
Có 4 yếu tố chính cấu thành nên tư duy chiến lược, cụ thể như sau:
1. Phân tích tình hình & thực trạng hiện tại:
Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định chiến lược nào, việc phân tích thực trạng hiện tại là vô cùng quan trọng để đưa ra một kế hoạch có tính thực tế và có khả năng thành công cao. Phân tích SWOT - Strengths (điểm mạnh); Weaknesses (điểm yếu); Opportunities (cơ hội); Threats (thách thức) sẽ giúp bạn nhận ra tính khả thi, cơ hội và rủi ro có thể gặp phải là ra sao. Từ những phân tích này, chúng sẽ giúp bạn có đủ dữ liệu để đưa ra một kế hoạch có khả năng thành công cao, tránh tình trạng lạc quan quá mức.
2. Định hướng & đưa ra mục tiêu phù hợp:
Định hướng sẽ giúp bạn xác định hướng đi và mục tiêu của mình trong công việc và cuộc sống. Sau khi có định hướng, bạn cần đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng và có thể đo lường được để từ đó thiết lập ra những hệ thống công việc cần phải hoàn thành để đạt được kết quả mong muốn.
3. Lập kế hoạch và triển khai:
Sau khi xác định được mục tiêu và định hướng, bạn cần lên kế hoạch chi tiết về hệ thống các phần việc cần thiết để triển khai nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng. Tư duy chiến lược đòi hỏi tính nhanh nhạy và quyết đoán trong lập kế hoạch, nhưng cũng phải đủ linh hoạt để thích nghi với những thay đổi bất ngờ trong quá trình thực hiện công việc.
4. Đo lường và điều chỉnh:
Sau khi triển khai, việc đo lường - đánh giá kết quả là bước không thể thiếu. Đây là cơ hội để rút kinh nghiệm sau một thời gian triển khai trên thực tế và thực hiện điều chỉnh (nếu cần) để tăng cường hiệu suất làm việc. Bằng cách ngay từ đầu đặt ra các chỉ số đo lường hiệu quả công việc và sử dụng công cụ thích hợp để thu thập dữ liệu, bạn sẽ dễ dàng đánh giá được chất lượng hoàn thành để tiếp tục cải thiện và nhanh chóng đạt được mục tiêu.
Ví dụ: Trong SEO, các kỹ thuật viên thường sử dụng các chỉ số như số từ khoá lên TOP, vị trí của các từ khoá trên SERP (bảng kết quả tìm kiếm), traffic, bounce rate, time-on-site để đánh giá hiệu quả tối ưu website. Một số công cụ để có thể đo lường được các chỉ số này bao gồm: Google Search Console, Google Analytics, Ahrefs, SEMrush,...
Kỹ năng để phát triển tư duy chiến lược
Kỹ năng phát triển tư duy chiến lược hiệu quả
Tư duy chiến lược là một kỹ năng không đứng một mình mà được hình thành từ nhiều khả năng khác nhau. Để phát triển tư duy chiến lược, chúng ta cần kết hợp các kỹ năng và khả năng sau đây:
Phân tích & đánh giá
Phân tích và đánh giá là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình tư duy chiến lược. Bạn cần thu thập thông tin về môi trường xung quanh, bao gồm: cơ hội, các yếu tố cạnh tranh và rủi ro có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của bạn. Điều này giúp bạn tránh lạc quan quá mức về kỳ vọng của mình và đưa ra chiến lược một cách có logic cũng như khả thi hơn.
Đặc biệt, bạn cũng nên chú ý đặt ra các chỉ đo lường cụ thể nhằm giúp dễ dàng đánh giá hiệu suất chiến lược và điều chỉnh (nếu cần) để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Lập kế hoạch và triển khai
Sau khi đã phân tích và đánh giá tình hình, bạn cần lập kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu của mình. Kế hoạch cần cụ thể, rõ ràng và có tính khả thi. Bạn cũng cần xác định các nguồn lực, thời gian cần thiết để thực hiện kế hoạch và phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong nhóm.
Sau khi đã có kế hoạch, bạn cần triển khai kế hoạch một cách hiệu quả và theo dõi tiến độ thực hiện thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện diễn ra hiệu quả, không bị trì trệ.
Quản lý thời gian
Quản lý thời gian là một kỹ năng quan trọng trong tư duy chiến lược, nhằm đảm bảo các kế hoạch diễn ra đúng như dự tính. Việc sắp xếp thời gian hợp lý cho các hoạt động sẽ giúp bạn tối ưu hóa hiệu suất công việc và đảm bảo tuân thủ thời gian theo kế hoạch đã định.
Đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề
Tư duy chiến lược cũng đòi hỏi bạn phải có khả năng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả trong quá trình thực hiện kế hoạch, đặc biệt là khi các rủi ro bất ngờ xảy ra. Mọi quyết định đưa ra phải quyết đoán, nhanh nhạy dựa trên phân tích đo lường số liệu thực tế để giải quyết vấn đề chính xác và hiệu quả.
Ngược lại, bạn tuyệt đối tránh quyết định cảm tính, không dựa trên số liệu thực tế nào. Phần nhiều những quyết định hấp tấp, không có sự suy tính như vậy sẽ khiến dự án đi vào ngõ cụt, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đi đến mục tiêu của bạn.
Tư duy chiến lược là một kỹ năng quan trọng cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào muốn thành công trong một thế giới phát triển không ngững ngày nay. Bằng cách rèn luyện và phát triển tư duy chiến lược, bạn có thể nhìn xa trông rộng, đưa ra quyết định sáng suốt và đạt được những điều mà mình mong muốn một cách nhanh chóng! Vinalink Academy chúc bạn thành công trong việc rèn luyện tư duy chiến lược cho bản thân mình!