TÀI LIỆU  Thư viện kiến thức

Lỗi 404 là lỗi gì? Cách tìm và khắc phục lỗi 404 trên website

11:50 | 01/03/2024

Bạn có bao giờ gặp phải tình trạng khi bạn truy cập vào một trang web, nhưng thay vì thấy nội dung mong muốn, bạn lại nhận được thông báo “Lỗi 404 not found” hay “Trang này không tồn tại”? Đây là một trong những lỗi thường gặp nhất hiện nay, khi trang mà bạn yêu cầu không thể tìm thấy trên máy chủ của website do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong bài viết này, Vinalink Academy sẽ giải thích cho bạn A-Z  biết lỗi 404 not found là gì, ảnh hưởng của nó tới website, và cách tìm và khắc phục lỗi này. Hãy cùng theo dõi nhé!

Lỗi 404 not found là gì?

Trang 404 Not Found

Trang 404 Not Found

Lỗi 404 not found, hay còn gọi là HTTP 404 là mã trạng thái HTTP thể hiện lỗi truy vấn khi trình duyệt giao tiếp với máy chủ, được sử dụng để báo cho người dùng biết rằng trang web mà họ yêu cầu không tồn tại trên máy chủ của website. Mã trạng thái HTTP là một chuỗi số được gửi từ máy chủ đến trình duyệt của người dùng, để thông báo cho họ biết kết quả của yêu cầu của họ. Có nhiều loại mã trạng thái HTTP khác nhau, nhưng được chia thành 5 nhóm chính:

  • Nhóm 1xx - Thông tin: Mã trạng thái này cho biết yêu cầu của người dùng đã được nhận và đang được xử lý.

  • Nhóm 2xx - Thành công: Mã trạng thái này cho biết yêu cầu của người dùng đã được thực hiện thành công.

  • Nhóm 3xx - Chuyển hướng: Mã trạng thái này cho biết trang web mà người dùng yêu cầu đã được chuyển hướng đến một địa chỉ khác.

  • Nhóm 4xx - Lỗi ở phía người dùng: Mã trạng thái này cho biết yêu cầu của người dùng không hợp lệ hoặc không thể thực hiện được bởi máy chủ.

  • Nhóm 5xx - Lỗi ở phía máy chủ: Mã trạng thái này cho biết máy chủ gặp phải lỗi khi xử lý yêu cầu của người dùng.

Lỗi 404 not found thuộc nhóm 4xx, là một lỗi ở phía người dùng. Điều này có nghĩa là yêu cầu của người dùng không chính xác hoặc truy vấn không khớp với trang web mà họ muốn truy cập. Một số dạng báo lỗi 404 thường gặp trên các website như: 404 Error, Error 404, 404 not found nginx, 404 Not Found, Error 404 Not Found, HTTP 404, 404 image not found, 404 File or Directory Not Found,... Riêng trên website của Vinalink Academy, chúng tôi lựa chọn dòng thông tin sau để báo lỗi 404: “Nội dung bạn yêu cầu không tìm thấy! Bạn vui lòng bấm vào đây để quay về trang chủ”.

Nguyên nhân gây ra lỗi 404 not found

Như đã đề cập ở trên, lỗi 404 là thuộc nhóm 4xx - tức là lỗi do người dùng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi 404 not found, chẳng hạn như:

  • Người dùng nhập sai địa chỉ URL của trang web: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của lỗi 404 not found. Nếu người dùng gõ sai chữ cái, dấu gạch, hoặc ký tự đặc biệt, họ sẽ không thể truy cập vào trang web mong muốn. Ví dụ, nếu muốn truy cập vào trang tuyển dụng của Vinalink Academy, bạn phải nhập đúng địa chỉ: https://vinalink.edu.vn/tin-tuyen-dung/. Trong trường hợp nhập sai như: https://vinalink.edu.vn/tin-ten-dung/, bạn sẽ được chuyển sang trang báo lỗi 404 của chúng tôi.

  • Trang web mà người dùng yêu cầu đã bị xóa hoặc di chuyển: Đôi khi, chủ sở hữu website có thể quyết định xóa hoặc di chuyển một số trang web trên website của họ vì nhiều lý do, chẳng hạn như: xoá nội dung lỗi thời/không chính xác, thay đổi cấu trúc website, xoá các bài viết trùng lặp,.... Nếu người dùng truy cập vào trang web đã bị xóa hoặc di chuyển mà không được cài đặt chuyển hướng, họ sẽ gặp phải lỗi 404 not found. 

  • Đường dẫn URL đã bị sửa lại: Nếu URL đã được sửa thành một tên khác mà không chuyển hướng đến URL mới thì khi người dùng nhập địa chỉ cũ sẽ bị chuyển sang trang báo lỗi 404.

  • Lỗi khi bật mod_rewrite: Nếu bạn bật mod_rewrite ở định dạng .htaccess và gặp lỗi, 404 not found sẽ xuất hiện khi trang web chuyển hướng URL.

Hướng dẫn tìm trang bị lỗi 404 trên website

Để khắc phục lỗi 404 not found, bạn cần phải biết được những trang web nào trên website của bạn đang bị lỗi này. Có nhiều cách để bạn có thể tìm kiếm và phát hiện những trang web bị lỗi 404, nhưng chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn 4 công cụ hữu ích nhất, đó là:

Site Audit của Semrush

Kiếm tra trang 404 bằng Site Audit của Semrush

Kiếm tra trang 404 bằng Site Audit của Semrush

Semrush là một công cụ SEO toàn diện, giúp bạn phân tích và cải thiện website của bạn theo nhiều khía cạnh, như từ khóa, liên kết, nội dung, và lỗi kỹ thuật. Để sử dụng Semrush để tìm trang bị lỗi 404, bạn cần làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Tạo dự án mới trên Semrush bằng cách chọn "Add new project" từ thanh công cụ và nhập thông tin cần thiết.

  • Bước 2: Chọn mục "Site Audit" để chạy kiểm tra trang web. Đảm bảo cấu hình kiểm tra được thiết lập đúng trước khi bắt đầu.

  • Bước 3: Giới hạn số lượng trang cần kiểm tra trên website của bạn để tối ưu hiệu suất kiểm tra. Dùng chức năng tìm kiếm để dễ dàng truy xuất danh sách các liên kết bị hỏng.

  • Bước 4: Sau khi kiểm tra hoàn tất, Semrush sẽ cung cấp danh sách các link bị hỏng (lỗi 404) trên trang web của bạn. Sử dụng chức năng tìm kiếm để định vị các liên kết này.

  • Bước 5: Sửa liên kết bằng cách cập nhật chúng, chuyển hướng hoặc xóa khỏi trang web của bạn để tránh tình trạng 404 tiếp diễn.

Dead Link Checker

Phần mềm Dead Link Checker

Phần mềm Dead Link Checker

Dead Link Checker là một công cụ miễn phí, giúp bạn nhanh chóng kiểm tra và phát hiện các liên kết hỏng trên trang hoặc cả website của bạn một cách tiện lợi. Để sử dụng Dead Link Checker để tìm trang bị lỗi 404, bạn cần làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Truy cập vào trang web của Dead Link Checker tại https://www.deadlinkchecker.com/. Sau đó, mhập địa chỉ website hoặc URL của bạn vào ô tìm kiếm, lựa chọn “whole website” (nếu muốn kiểm tra cả website) hoặc “single webpage” (nếu muốn phân tích trên một trang cụ thể), sau đó chọn “Check” và nhập Captcha để tiếp tục.

  • Bước 2: Chờ cho Dead Link Checker quét xong website và hiển thị kết quả báo cáo. Bạn sẽ thấy danh sách toàn bộ các liên kết hỏng trên trang của bạn để thực hiện khắc phục kịp thời

Google Search Console

Google Search Console là một công cụ miễn phí của Google, giúp bạn theo dõi và cải thiện hiệu suất của website của bạn trên công cụ tìm kiếm và vấn đề của website phát sinh trong quá trình vận hành. Để sử dụng Google Search Console để tìm trang bị lỗi 404, bạn cần làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Google Search Console và chọn mục "Coverage" trong menu ở phía bên trái.

  • Bước 2: Tại tab "Errors" hoặc "Excluded", bạn sẽ thấy thông báo của Google về các lỗi 404 hiện đang tồn tại trên website của bạn. Nhấp vào chúng để xem chi tiết danh sách các lỗi.

  • Bước 3: Tiếp theo, bạn cần nhấp vào mỗi lỗi 404 để xem các liên kết đã hỏng gây ra lỗi này. Nếu bạn muốn xem danh sách chi tiết hơn, bạn có thể chọn tải xuống (Download) để lấy thông tin và sửa các liên kết đã hỏng trên trang web của mình.

Screaming Frog

Screaming Frog là một công cụ Audit SEO quan trọng tự động quét toàn bộ website để phát hiện các vấn đề trên các trang - trong đó có có lỗi 404, giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tìm lỗi để khắc phục kịp thời.. Để sử dụng Screaming Frog để tìm các trang bị hỏng, bạn có thể làm theo các bước sau:

  • Bước 1 - Crawl trang web: Mở công cụ SEO Spider, nhập hoặc sao chép địa chỉ trang web mà bạn muốn crawl vào ô “Enter URL to spider” và nhấn “Start”.

  • Bước 2 - Lọc liên kết hỏng: Sau khi quá trình crawl hoàn thành và đạt 100%, bạn có thể xem các liên kết 404 bằng cách chuyển đến tab 'Response Codes' và sử dụng bộ lọc “Client Error (4XX)”.

  • Bước 3 - Báo cáo liên kết hỏng hiển thị: Báo cáo sẽ hiển thị toàn bộ đường link và hình ảnh trên website bị hỏng (dính lỗi 4XX - trong đó 404), bạn dựa vào chúng để có phương hướng khắc phục kịp thời.

Hướng dẫn cách khắc phục lỗi 404 not found

Sau khi bạn đã tìm ra những trang web bị lỗi 404 trên website của bạn, bạn cần phải khắc phục lỗi này để cải thiện hiệu quả SEO và trải nghiệm người dùng. Có nhiều cách để bạn có thể khắc phục lỗi 404 not found, nhưng chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn 6 cách hiệu quả nhất, đó là:

  • Tạo một trang 404 tùy chỉnh: Đây là một cách để bạn có thể giữ người dùng ở lại trên website của bạn, thay vì để họ rời đi khi gặp phải lỗi 404. Bạn có thể tạo một trang 404 tùy chỉnh, có thiết kế đẹp, nội dung hấp dẫn, và có các liên kết đến những trang web khác trên website của bạn. Bạn cũng nên cung cấp cho người dùng một công cụ tìm kiếm, để họ có thể tìm kiếm nội dung mà họ muốn. 

  • Tạo chuyển hướng 301: Đây là một cách để bạn có thể dẫn người dùng từ một URL cũ sang một URL khác, thay vì để họ nhìn vào một trang web bị lỗi. 

  • Xoá đường link bị hỏng: Trong trường hợp đường link hỏng báo lỗi 404 là đường link rác do vô ý tạo nhầm hoặc do bị hack, bạn nên cân nhắc xoá chúng để khắc phục lỗi 404 Not Found.

  • Thay đổi địa chỉ máy chủ DNS: Trong một số ít trường hợp, lỗi 404 Not found là do trang của bạn bị nhà mạng chặn. Giải pháp cho trường hợp này là đổi sang một máy chủ khác để việc truy cập của khách hàng trở lại được bình thường.

  • Vô hiệu hoá tệp .htaccess: Nếu tệp .htaccess bị hỏng do xung đột với plugin hoặc cấu hình sai, chúng sẽ gây ảnh hưởng đến giao diện trang web và dễ gây lỗi 404. Để giải quyết được điều này, bạn nên vô hiệu hoá tệp. htaccess hiện tại và thay chúng bằng một tệp mới.

  • Khôi phục bản sao lưu: Trong trường hợp bạn vô tình xoá một trang quan trọng gây ra lỗi 404 khi khách hàng truy cập, bạn nên khôi phục bản sao lưu trang web để sửa lỗi.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Vinalink Academy cho thắc mắc “Lỗi 404 là lỗi gì?”, nguyên nhân cũng như những ảnh hưởng của chúng và cách xử lý phù hợp khi không may website của bạn có các URL bị lỗi này. Hy vọng rằng, với những chia sẻ trong bài viết, bạn đã hiểu được khái niệm của lỗi 404 và có chiến lược loại bỏ lỗi này một cách hiệu quả để tối ưu SEO cũng như trải nghiệm người dùng được tốt nhất. Chúc bạn thành công!.

Call Zalo Messenger