TÀI LIỆU  Thư viện kiến thức

Phòng Marketing: Khái niệm, chức năng, chức vụ trong phòng

21:06 | 01/05/2024

Phòng Marketing đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt công chúng. Trong bài viết này, Vinalink Academy sẽ giúp bạn hiểu hơn về phòng Marketing, bao gồm: chức năng và các vị trí, nhiệm vụ chính trong bộ phận này.

Cùng bắt đầu nhé!

Phòng Marketing là gì?

phong-marketing-la-gi-1

Khái niệm Phòng Marketing

Phòng Marketing (tiếng Anh là Marketing department) là bộ phận chuyên lên chiến lược và triển khai các hoạt động tiếp thị nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp. Các hoạt động của phòng Marketing bao gồm: nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, quảng cáo, bán hàng và chăm sóc khách hàng.

Phòng Marketing được coi là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và thị trường, đưa tính năng/giải pháp của sản phẩm “gặp gỡ” đúng nhu cầu & vấn đề của người tiêu dùng.

Mục tiêu chính của phòng Marketing không nằm ở việc trực tiếp bán hàng cho người sử dụng. Thay vào đó, theo Peter Drucker, công việc của Marketing là tìm mọi cách để hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu/vấn đề của khách hàng một cách tối ưu. Khi đạt được điều này, sản phẩm/dịch vụ sẽ tự thu hút người tiêu dùng một cách tự nhiên và tự "bán chính nó". 

Do đó, Marketing được xem là quá trình tạo ra cho khách hàng sự sẵn sàng mua sắm, đưa ra những giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường một cách chính xác và hiệu quả. Vì vậy, vai trò của Phòng Marketing trong doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, đóng góp trực tiếp vào tình hình tăng trưởng kinh doanh và thành công của doanh nghiệp.

Chức năng của phòng Marketing

Chức năng chính của phòng Marketing bao gồm:

Xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu

Hình ảnh thương hiệu là “bộ mặt” của doanh nghiệp, thể hiện cách mà công ty muốn khách hàng nhận biết và nhớ về tổ chức mình. Đây là một yếu tố không thể thiếu nếu muốn xây dựng chiến lược Marketing và kinh doanh bền vững của doanh nghiệp.

Việc xây dựng hình ảnh thương hiệu là một quá trình tập trung và sáng tạo, bao gồm việc thiết kế logo, chọn màu sắc và phông chữ phù hợp, cũng như xây dựng những thông điệp và cảm nhận mà thương hiệu muốn gửi đến khách hàng. Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, hình ảnh của thương hiệu phải thể hiện sự khác biệt nhằm nổi bật so với đối thủ cạnh tranh, từ đó giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và phân biệt.

Phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường

Phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường là hai yếu tố then chốt trong chiến lược của phòng Marketing của doanh nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu, Marketer cần tiến hành phân tích thị trường sâu rộng để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng, đồng thời phân tích kỹ lưỡng các đối thủ cạnh tranh và xu hướng thị trường. Thông qua việc phân đoạn thị trường và xác định khách hàng mục tiêu, các doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào những phân khúc có tiềm năng nhất. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan như: kinh tế vĩ mô, tình hình chính trị, xu hướng thị trường,... cũng cần được tính đến để tìm ra hướng tiếp cận phù hợp nhất, ít tốn nguồn lực và đạt hiệu quả cao nhất trong việc thu hút khách hàng.

Trong quá trình phát triển sản phẩm, việc sử dụng thông tin từ nghiên cứu thị trường của phòng Marketing sẽ giúp bộ phận Sản xuất doanh nghiệp phát triển các tính năng, lợi ích cần thiết cho sản phẩm. Điều này giúp thương hiệu mang lại giải pháp đáp ứng tối ưu nhất với mong muốn/kỳ vọng của thị trường, đồng thời tạo ra lợi thế với các đối thủ cạnh tranh.

Xây dựng, quản lý và triển khai các chiến lược Marketing

Sau khi hiểu rõ khách hàng mục tiêu và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, phòng Marketing sẽ tiến hành xây dựng, quản lý và triển khai các chiến lược Marketing nhằm nâng cao nhận biết thương hiệu, thu hút khách hàng và tiến tới chuyển đổi thành đơn hàng thực tế. Từ đó, phòng tiếp thị doanh nghiệp sẽ nỗ lực tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Xây dựng mối quan hệ với truyền thông

Việc quan hệ tốt với truyền thông là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực và uy tín trong mắt khách hàng, đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm một kênh hỗ trợ đắc lực giúp giảm bớt tiêu cực khi không may doanh nghiệp xảy ra khủng hoảng truyền thông. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, phòng Marketing có thể thực hiện các cách sau:

  • Xây dựng mối quan hệ cá nhân với các phóng viên và biên tập viên, qua đó tạo dựng được kênh thông tin đáng tin cậy để truyền bá thông điệp của công ty.

  • Thực hiện book báo các bài viết truyền thông cho doanh nghiệp.

  • Tổ chức các hoạt động như họp báo, ra mắt sản phẩm và mời giới báo chí đến đưa tin nhằm tăng cường sự hiện diện của công ty trong các phương tiện truyền thông.

  • Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và hữu ích cho giới truyền thông, giúp giới báo chí có được nguồn tin cậy để thu hút độc giả và tạo ra nội dung chất lượng.

  • Tham gia và tổ chức các sự kiện, hội thảo về báo chí & truyền thông nhằm tạo cơ hội để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhà báo và biên tập viên.

Quảng bá sản phẩm/dịch vụ

Quảng bá sản phẩm/dịch vụ là một phần quan trọng trong chiến lược Marketing, giúp tăng cường nhận thức và thu hút sự chú ý của khách hàng. Để việc quảng bá mang đến hiệu quả, doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng trong các phương án sau:

  • Sử dụng các kênh quảng cáo đa dạng: Bao gồm chạy quảng cáo Digital Marketing, billboard, quảng cáo truyền hình,... để tăng cường nhận thức thương hiệu tới khách hàng mục tiêu.

  • Tổ chức sự kiện và PR: Các sự kiện và hoạt động PR sẽ giúp nâng tầm uy tín và tăng cường hình ảnh thương hiệu trong mắt đối tượng tiềm năng.

  • Tương tác trên các kênh truyền thông xã hội: Các kênh truyền thông xã hội là một kênh hiếm hoi giúp doanh nghiệp có thể trực tiếp tương tác, xử lý phản hồi nhanh chóng từ các khách hàng tiềm năng của mình. Từ đó, doanh nghiệp có thể tạo ấn tượng với công chúng về phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tâm với khách hàng.

  • UGC (User - Generated Content): Trong thời gian gần đây, khách hàng đang dần “bội thực” bởi các bài quảng cáo ngày ngày dội bom trên màn hình thiết bị lướt web của khách hàng. Do đó, những nội dung được tạo ra bởi người dùng như: đánh giá, bài review/so sánh, nội dung nhắc đến thương hiệu,... sẽ rất được khách hàng quan tâm và tin tưởng.

Hỗ trợ đội ngũ bán hàng

Phòng Marketing cũng đóng vai trò hỗ trợ đội ngũ bán hàng bằng cách cung cấp thông tin chi tiết về chân dung khách hàng mục tiêu để chăm sóc đúng cách, phát triển tài liệu bán hàng chuyên nghiệp, tổ chức các sự kiện, thu data/leads tiềm năng… để tăng cường hiệu quả bán hàng và thúc đẩy doanh số.

Quản lý quan hệ khách hàng

Quản lý quan hệ khách hàng là một phần không thể thiếu trong chiến lược của phòng Marketing nhằm tao trải nghiệm hài lòng cho khách hàng trước, trong và sau khi bán hàng nhằm kích thích chuyển đổi và tái mua ở các khách hàng cũ. Để thực hiện tốt chức năng này, phòng Marketing cần:

  • Tạo ra các chương trình hỗ trợ sau bán hàng: Điều này giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm, đồng thời tăng cường trải nghiệm hài lòng khi mua hàng và sử dụng sản phẩm. Điều này sẽ giúp khách hàng sẵn lòng quay lại mua hàng ở những lần sau, thậm chí họ còn giới thiệu những người thân quen về sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu - giúp doanh nghiệp mở rộng lượng khách hàng.

  • Tích cực tương tác qua các kênh truyền thông xã hội và email marketing: Đây là các nền tảng hiếm hoi để doanh nghiệp có thể trực tiếp phản hồi, cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc/ý kiến của người tiêu dùng -  từ đó giúp tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng.

  • Thiết lập đường dây nóng, hệ thống đánh giá nội bộ: Đây là phương pháp được áp dụng nhằm tiếp nhận phản hồi nhanh chóng của khách hàng về trải nghiệm sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Điều này giúp thương hiệu có thể nhanh chóng nắm bắt, khắc phục những vấn đề của khách hàng gặp phải (nếu có). Đây là việc cực kỳ có ý nghĩa trong việc làm thoả mãn trong trải nghiệm khách hàng, đồng thời khoanh vùng - giảm rủi ro những thông tin tiêu cực về thương hiệu lan truyền ra bên ngoài gây tiềm ẩn rủi ro khủng hoảng.

Tham mưu chiến lược cho đội ngũ Ban lãnh đạo

Marketing là phòng ban có tác động quan trọng đến doanh số, ảnh hưởng to lớn đến sự thành bại của công ty. Với các nghiên cứu và phân tích sâu sắc của mình, phòng Marketing có nhiệm vụ cung cấp thông tin chính xác về thị trường, khách hàng, các đối thủ cạnh tranh,... cho Ban lãnh đạo và đề xuất/hỗ trợ họ trong việc đưa ra quyết định chiến lược kinh doanh lớn của công ty trong từng thời điểm. 

Chức vụ trong phòng Marketing

Cấu trúc tổ chức của phòng Marketing có thể thay đổi tùy theo quy mô và ngành nghề của doanh nghiệp. Thông thường, một số chức vụ chính trong phòng Marketing trong các doanh nghiệp sẽ bao gồm:

Giám đốc Marketing

giam-doc-marketing

Giám đốc Marketing

Giám đốc Marketing là vị trí lãnh đạo cao nhất của phòng Marketing - chịu trách nhiệm về chiến lược, định hướng cho hoạt động tiếp thị của tổ chức và điều phối/giám sát hoạt động chung của bộ phận. Cụ thể, công việc của Giám đốc Marketing thường bao gồm:

  • Lãnh đạo toàn bộ hoạt động tiếp thị và quảng cáo của tổ chức.

  • Xây dựng chiến lược tiếp thị phù hợp với mục tiêu và tầm nhìn của doanh nghiệp.

  • Đề xuất với ban lãnh đạo công ty về ngân sách tiếp thị và quản lý nguồn lực cho các chiến dịch.

  • Đánh giá hiệu quả các chiến dịch tiếp thị và điều chỉnh chiến lược dựa trên dữ liệu và phản hồi từ thị trường.

Trưởng phòng Marketing 

Trưởng phòng Marketing là vị trí quản lý các hoạt động hàng ngày của hoạt động tiếp thị/quảng cáo của bộ phận, báo cáo công việc trực tiếp cho Giám đốc Marketing. Chi tiết, công việc của Trưởng phòng Marketing bao gồm:

  • Phối hợp và điều hành các hoạt động của các nhân viên trong Phòng Marketing để đạt được các mục tiêu kinh doanh.

  • Cùng Giám đốc Marketing lên chiến lược và kế hoạch tiếp thị cho doanh nghiệp.

  • Phân bổ nguồn lực của bộ phận và điều phối công việc trong triển khai các chiến dịch quảng cáo, PR, Digital Marketing,... của thương hiệu

  • Giám sát và đánh giá hiệu quả của các hoạt động tiếp thị và thực hiện tối ưu hóa chiến lược nếu cần thiết.

Nhân viên Digital Marketing

Chịu trách nhiệm lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch Marketing Online, cụ thể như:

  • Quản lý các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng số như: Facebook Ads, Google Ads, sàn Thương mại điện tử....

  • Thực hiện email marketing, SEO, SEM, xây dựng hệ thống kênh mạng xã hội cho doanh nghiệp,...

  • Phân tích dữ liệu và đề xuất các chiến lược tăng tương tác trực tuyến.

Nhân viên SEO

Nhân viên SEO chịu trách nhiệm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) để tăng hiệu quả tìm thấy của website trên các công cụ tìm kiếm. Công việc của họ bao gồm:

  • Lên chiến lược SEO, nghiên cứu từ khóa và lập kế hoạch nội dung theo ngành nghề sản phẩm/dịch vụ thương hiệu cung cấp.

  • Order Content thực hiện viết bài theo topic, nhận bàn giao nội dung và đăng bài.

  • Tối ưu hóa On-page Website, audit các nội dung cũ phù hợp với các tiêu chuẩn SEO.

  • Thực hiện các bước Off-page để tăng trust, uy tín cho website.

  • Đo lường các chỉ số hiệu suất Website trên công cụ tìm kiếm như: từ khoá lên TOP, traffic, time-on-site, bounce rate.

Nhân viên Content Marketing

Nhân viên Content Marketing tập trung vào sản xuất nội dung thu hút và hữu ích cho khách hàng. Công việc của vị trí bao gồm:

  • Lên kế hoạch xây kênh, chiến lược nội dung trên các nền tảng khác nhau: Facebook, Youtube, Instagram, X,...

  • Thực hiện biên tập, viết bài trên các nền tảng Website, mạng xã hội.

  • Viết kịch bản video, podcast,... hữu ích cho hệ thống kênh của doanh nghiệp.

  • Sáng tạo nội dung quảng cáo trên các định dạng khác nhau: quảng cáo Facebook, Google Ads, Billboard, Catalogue,...

Nhân viên Branding

Nhân viên Branding có chức năng, nhiệm vụ trong việc xây dựng và quản lý hình ảnh thương hiệu nhằm đem lại cảm xúc tích cực cũng như tạo niềm tin cho khách hàng mục tiêu. Cụ thể, vị trí này sẽ thực hiện các công việc sau:

  • Tạo ra và phát triển các yếu tố nhận diện thương hiệu như: logo, thông điệp, màu sắc, và hình ảnh,... phản ánh đúng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và tạo sự khác biệt độc đáo so với đối thủ.

  • Đảm bảo rằng hình ảnh thương hiệu được thể hiện một cách nhất quán và chính xác trên tất cả các kênh quảng cáo, truyền thông và marketing.

  • Xây dựng chiến lược và kế hoạch marketing để nâng cao nhận thức, thiện cảm của khách hàng về thương hiệu.

Nhân viên thiết kế

Nhân viên thiết kế - Designer trong phòng Marketing có nhiệm vụ quan trọng trong việc sáng tạom đảm bảo chất lượng thẩm mỹ của các ấn phẩm thương hiệu. Cụ thể, công việc của Designer bao gồm:

  • Tạo ra các ấn phẩm thiết kế trực quan như: billboard, banner, poster, catalogue,... đảm bảo chúng truyền tải đúng thông điệp của thương hiệu.

  • Thiết kế các ấn phẩm kỹ thuật số như: logo, ảnh chạy Ads, các thiết kế đồ hoạ,... phục vụ cho tiếp thị kỹ thuật số Digital Marketing.

  • Chỉnh sửa, cải thiện chất lượng và tính thẩm mỹ của hình ảnh và video được sử dụng trong các chiến dịch Marketing.

Phòng Marketing là một bộ phận quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp nào bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh và hình ảnh thương hiệu của công ty. Hy vọng qua bài viết của Vinalink Academy, chúng tôi đã giúp bạn hiểu hơn về phòng Marketing cũng như chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu nhân sự phòng Marketing trong các doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Call Zalo Messenger