Loading...
TÀI LIỆU  Thư viện kiến thức

Copywriter là gì? Kỹ năng, công việc & mức lương 2025

15:08 | 04/01/2024

Trong bài viết này, Vinalink Academy sẽ giải đáp cho bạn A-Z về nghề Copywriter là gì và cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích liên quan đền nghề bao gồm: công việc cần làm, kỹ năng cần có, mức lương trung bình,...

Copywriter là gì?

Copywriter là một chuyên gia viết nội dung chuyên nghiệp, tập trung vào việc tạo ra các tài liệu marketing và quảng cáo. Theo định nghĩa của Gary Halbert - một trong những copywriter huyền thoại, copywriting chính là "nghệ thuật bán hàng qua văn bản" (salesmanship in print).

Tưởng tượng bạn đang lướt qua một quảng cáo khiến bạn phải dừng lại suy nghĩ, hay một khẩu hiệu khiến bạn nhớ mãi - đó chính là tác phẩm của một copywriter tài năng.

Copywriter khác biệt với các loại writer khác ở chỗ họ luôn có một mục tiêu rõ ràng: thúc đẩy người đọc thực hiện một hành động cụ thể, thường là mua hàng. Mọi dòng chữ họ viết đều hướng đến việc tạo ra doanh số, tăng lợi nhuận và thúc đẩy hành vi tiêu dùng.

>>> Xem thêm: Content Marketing là làm gì ?

Phân biệt Copywriter và Contentwriter

Trong lĩnh vực marketing và truyền thông, hai khái niệm "copywriter" và "content writer" thường được nhắc đến như hai chuyên môn riêng biệt. Tuy nhiên, ranh giới giữa chúng không hoàn toàn rõ ràng như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo định nghĩa truyền thống, copywriter chuyên viết các tài liệu marketing và quảng cáo với mục đích thúc đẩy bán hàng trực tiếp. Họ tạo ra những dòng chữ có sức thuyết phục mạnh mẽ, từ slogan đến email marketing, từ quảng cáo Facebook đến landing page. Mỗi từ ngữ đều được lựa chọn cẩn thận để kích thích hành động cụ thể từ người đọc.

Ngược lại, content writer được hiểu là những người viết nội dung thông tin, giáo dục trên các trang web như blog, bài viết chuyên sâu, hoặc trang sản phẩm. Nhiều quan điểm cho rằng content writing thuần túy mang tính thông tin và không chứa yếu tố thuyết phục.

Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn chính xác trong thực tế. Hầu hết các trang web hiện tại đều chứa ít nhất một yếu tố thuyết phục hay call-to-action nào đó. Ngay cả một bài blog có vẻ "thuần thông tin" vẫn thường có các liên kết đến tài nguyên khác, gợi ý đọc thêm, hoặc mời người đọc đăng ký nhận tin. Điều này cho thấy content writing cũng mang trong mình DNA của copywriting.

Trên thực tế, content writing có thể được xem như một dạng đặc biệt của copywriting. Cả hai đều hướng đến việc thu hút người đọc và khuyến khích họ thực hiện hành động nhất định, dù chỉ là ở lại trang web để đọc thêm nội dung khác. Điểm khác biệt chính nằm ở cách tiếp cận: copywriting truyền thống thường trực tiếp và tập trung vào chuyển đổi ngay lập tức, trong khi content writing xây dựng lòng tin và mối quan hệ dài hạn thông qua việc cung cấp giá trị.

Do đó, thay vì xem chúng như hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt, ta nên hiểu rằng cả copywriter và content writer đều đang làm việc trên cùng một phổ của nghệ thuật thuyết phục thông qua ngôn từ, chỉ khác nhau ở độ mạnh và cách thức tiếp cận mà thôi.

Kỹ năng của Copywriter

Một số kỹ năng cần có để trở thành Copywriter

Tuy nhiên, để thành công được với nghề, bạn cần phải trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản sau:

  • Kiến thức cơ bản về marketing, truyền thông

  • Kiến thức về ngôn ngữ, văn phong, ngữ pháp, chính tả, dấu câu,...

  • Kiến thức phân tích thị trường, khách hàng, đối thủ, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu,...

  • Kỹ năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, sắp xếp thông tin,...

  • Kỹ năng viết sáng tạo, hấp dẫn, thuyết phục, kích thích hành động,...

  • Kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, phản biệt,...

Ngoài ra, nếu bạn muốn trở thành SEO Copywriter, bạn cần thêm những kiến thức và kỹ năng sau:

  • Kiến thức nghiên cứu từ khóa cơ bản, tối ưu tiêu đề, meta description, liên kết,...

  • Kiến thức về các công cụ hỗ trợ SEO, như: Google Analytics, Google Search Console, Google Keyword Planner, Ahrefs, SEMrush...

  • Kỹ năng tối ưu hóa, audit nội dung cho SEO.

Công việc của Copywriter

Công việc của một Copywriter có thể khác nhau tùy thuộc vào loại hình, quy mô và mục tiêu của tổ chức hay cá nhân mà họ làm việc. Tuy nhiên, có thể tóm tắt công việc của một Copywriter như sau:

  • Tiếp nhận yêu cầu, brief, đề bài từ khách hàng hay cấp trên.

  • Nghiên cứu về chủ đề bài viết.

  • Nghiên cứu về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu và đối tượng tiếp cận bài viết.

  • Lên ý tưởng, outline, concept cho bài viết.

  • Viết, chỉnh sửa, biên tập văn bản theo yêu cầu, brief, đề bài.

  • Làm việc với Designer trong thiết kế hình ảnh hoặc tự làm ảnh/video đơn giản.

  • Làm việc với SEOer trong việc tối ưu bài viết chuẩn SEO, nâng cao cơ hội bài viết lên TOP.

  • Thực hiện kiểm tra phản hồi từ khách hàng & cấp trên và hoàn chỉnh bài viết.

Mức lương của Copywriter tại Việt Nam

mức lương của Copywriter tại Việt Nam năm 2025 dao động từ khoảng 1 triệu đồng/tháng cho thực tập sinh đến trên 40 triệu đồng/tháng với các vị trí quản lý hoặc freelance có kinh nghiệm và năng lực cao. Các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội có mức lương cao hơn các vùng khác. Freelance Copywriter có thể có thu nhập rất linh hoạt và tiềm năng cao nếu làm việc hiệu quả. Dưới đây là mức lương tham khảo:

  • Intern Copywriter (0 - 1 năm kinh nghiệm): Mức lương từ 1 triệu đến 4 triệu VNĐ/tháng.

  • Junior Copywriter (1 - 3 năm kinh nghiệm): Mức lương dao động từ 7 triệu đến 10 triệu VNĐ/tháng, có thể lên tới 15 triệu VNĐ/tháng cho những người có năng lực tốt.

  • Senior Copywriter (4 - 5 năm kinh nghiệm): Mức lương từ 14 triệu đến 45 triệu VNĐ/tháng.

  • Content Manager/Director (2 - 3 năm kinh nghiệm): Mức lương từ 20 triệu đến 40 triệu VNĐ/tháng

Học nghề copywriter ở đâu?

Nếu muốn học nghề để trở thành Copywriter thì học ở đâu?

Nếu muốn học nghề để trở thành Copywriter thì học ở đâu?

Bạn có thể học nghề copywriter ở một số địa chỉ sau:

Học tại các trường đại học danh tiếng

- Đối với lĩnh vực marketing: Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học RMIT.

- Đối với lĩnh vực viết lách: Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm.

>>> Xem thêm: Nên học Digital Marketing ở đâu?

Học tại trung tâm đào tạo Marketing: Vinalink Academy, MOA Việt Nam, Appnet, DGM, VietnamMarcom là một số trung tâm đào tạo có chương trình học về copywriter.

Học từ những người nổi tiếng trong ngành: Có một số cái tên nổi tiếng trong giới Marketing như Phùng Thái Học, Lê Đức Hoàng Vân, Nguyễn Đức Lộc, Linh Phan, Phan Hải, Huỳnh Vĩnh Sơn... tổ chức các khóa học copywriter để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ.

Lựa chọn học nghề copywriter tại các trường đại học sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản và một tấm bằng hoặc chứng chỉ "danh giá". Trung tâm đào tạo marketing sẽ tập trung sâu vào lĩnh vực này và cung cấp kiến thức từ những chuyên gia trong ngành. Còn khi học từ những người nổi tiếng, bạn sẽ được trực tiếp học từ những người có kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trước khi đưa ra lựa chọn, bạn nên nghiên cứu kỹ về các trường, trung tâm và cá nhân tổ chức khóa học để đảm bảo rằng chương trình học phù hợp với mục tiêu và mong muốn của bạn.

Khoá học [3C] Content Marketing - Sáng tạo nội dung

Khoá học [3C] Content Marketing - Sáng tạo nội dung

>>> Tham khảo khoá học Sáng tạo nội dung 3C by Vinalink Academy để trở thành Copywriter ngay hôm nay !

AI ảnh hưởng như thế nào đến nghề Copywriting?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong ngành copywriting, tuy nhiên không phải theo hướng mà nhiều người lo ngại. Thay vì thay thế con người, AI đang trở thành một công cụ đắc lực giúp các copywriter nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc.

Các công cụ AI hiện tại hỗ trợ copywriter trong nhiều khâu quan trọng của quy trình sáng tạo, từ việc tìm ý tưởng, nghiên cứu, lập kế hoạch, phác thảo cho đến soạn thảo nội dung. Bằng cách tự động hóa một số bước trong quy trình viết, AI giúp copywriter tối ưu hóa workflow và hoàn thành dự án nhanh hơn đáng kể. Điều này cho phép họ đảm nhận nhiều dự án hơn và tăng thu nhập bằng cách khai thác sức mạnh của AI.

Báo cáo "The State of Marketing Report for 2024" của HubSpot, dựa trên khảo sát hơn 1.400 chuyên gia marketing toàn cầu, đã tiết lộ những con số ấn tượng về tác động tích cực của AI. Cụ thể, 84% các nhà tiếp thị cho biết AI đã cải thiện chất lượng nội dung và tăng cường hiệu quả làm việc, giúp tiết kiệm 3 giờ cho mỗi nội dung và 2,5 giờ mỗi ngày. Đáng chú ý, 82% số người được khảo sát đang sản xuất "nhiều nội dung hơn đáng kể", trong khi 77% cảm thấy AI giúp họ tạo ra nội dung cá nhân hóa tốt hơn.

Tuy nhiên, việc AI có thể hỗ trợ sản xuất nhiều nội dung chất lượng cao hơn trong thời gian ngắn hơn không có nghĩa là doanh nghiệp có thể bỏ qua hoàn toàn vai trò của copywriter con người. Chỉ có con người mới có khả năng kết nối với độc giả ở tầng cảm xúc sâu sắc mà AI không thể đạt được. Copywriter con người có thể kể những câu chuyện đầy cảm xúc, chạm đến trái tim người đọc một cách chân thật. Vì con người mua hàng dựa trên cảm xúc trước, sau đó mới biện minh quyết định bằng logic, nên việc tạo ra nội dung kích thích cảm xúc và khiến người đọc cảm thấy điều gì đó là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý khác từ khảo sát HubSpot là 40% các công ty đã thuê chuyên gia AI chuyên dụng để hỗ trợ đội ngũ marketing. Với hiệu suất và năng suất tăng cao, doanh nghiệp thực sự cần nhiều copywriter hơn để xử lý khối lượng công việc gia tăng, đặc biệt là những copywriter quen thuộc với việc sử dụng AI.

Điều quan trọng cần nhận ra là AI về bản chất vẫn là máy móc. Nó xuất sắc trong việc phân tích và tổng hợp dữ liệu, nghiên cứu và sao chép các mẫu có sẵn. Đó chính là cách AI có thể bắt chước cách viết của con người. Tuy nhiên, AI chỉ có thể bắt chước mà không bao giờ có thể thực sự sáng tạo ra điều gì đó hoàn toàn mới hay tạo ra âm thanh thực sự của con người.

Chính vì lý do này, copywriter con người sẽ luôn được cần đến để vận hành và hướng dẫn các công cụ viết AI. Chúng ta sở hữu khả năng sáng tạo và tính độc đáo bẩm sinh mà máy móc không bao giờ có thể có được. Những kỹ năng, hiểu biết và kiến thức đặc biệt này sẽ tiếp tục được đánh giá cao và có nhu cầu lớn trong nhiều năm tới.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Vinalink Academy cho thắc mắc “Copywriter là gì?” và những thông tin liên quan đến nghề này bao gồm: công việc cần làm, kỹ năng cần có, mức lương trung bình,... Hy vọng qua bài viết này, đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn trong việc lựa chọn nghề nghiệp sau này của mình. Chúc bạn thành công !

Call Zalo Messenger